Đại sứ tê giác Nguyễn Việt Đức & câu chuyện hành trình đến Nam Phi

Nguyễn Việt Đức vinh dự trở thành một trong những đại sứ của tổ chức Wilderness Foundation Africa (WFA) sau khi chiến thắng trong cuộc thi Tê giác Hoang dã (Wild Rhino Competition) bằng bài luận tiếng Anh xuất sắc mang thông điệp kêu gọi bảo vệ loài tê giác - tài sản thiên nhiên vô giá của thế giới. Chuyến hành trình 5 ngày đến Nam Phi nằm trong chuỗi hoạt động tuyên truyền bảo vệ loài động vật này của WFA dành cho vị đại sứ trẻ tuổi.

Sau hơn nửa ngày ngồi máy bay, nhóm chúng tôi đặt chân đến Nam Phi lúc trời bắt đầu tối dần. Là một trong 11 người may mắn giành được tấm vé khám phá đất nước rộng lớn này, tôi không thể giấu được niềm háo hức và cả sự tò mò về những điều mới lạ mà mình sắp được khám phá.

Xe lăn bánh trên những con đường dài như vô tận, đưa chúng tôi rời xa trung tâm thành phố và đến gần hơn với mẹ thiên nhiên. Không như những vị khách khác, chúng tôi bỏ xa khu vực tham quan và bắt đầu tiến sâu vào trong rừng. Đến điểm tập kết, chúng tôi xuống xe để chuẩn bị kỹ càng mọi thứ thiết yếu và tạm thời rời xa những thiết bị công nghệ. Hành trang bây giờ chỉ là những chiếc balo chuyên dụng được hướng dẫn sử dụng cẩn thận từ trước đó. Tôi được chia vào một nhóm nhỏ gồm 6 người với 6 tính cách khác nhau. Tuy không cùng một dân tộc, ngôn ngữ nhưng giữa chúng tôi có tâm hồn đồng điệu, cùng chung niềm đam mê khám phá thiên nhiên và đấu tranh để bảo vệ sự sống cho loài tê giác đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Đêm đầu tiên trong chuyến hành trình, chúng tôi nghỉ chân trên một mỏm đá khá rộng và bằng phẳng nằm cạnh bờ sông. Thời tiết về đêm ở Nam Phi rất lạnh. Chúng tôi ngồi lại và phân công ca trực để đảm bảo sự an toàn cho các thành viên trong đoàn. Tôi không sao chợp mắt được vì mang trong mình tâm thế của một đứa trẻ lần đầu tiên xa nhà. Thế rồi cũng đến nhiệm vụ canh đêm đầu tiên của tôi. Tôi cùng 3 người bạn thức đêm canh gác và tận hưởng âm vị của cánh rừng già cho đến khi mặt trời mọc. Bình minh thì nơi đâu cũng có nhưng bình minh nơi núi rừng Nam Phi này có lẽ tôi chỉ được chiêm ngưỡng một lần trong đời.

Còn nhớ lúc người dẫn đường ra hiệu cho chúng tôi dừng bước, tôi biết mình sắp được tận mắt ngắm nhìn thêm điều gì đó mới mẻ nơi thế giới tự nhiên hoang dã này. Rồi dòng suy nghĩ ấy lập tức ngừng lại và nhường chỗ cho hình ảnh hai mẹ con tê giác đang say ngủ. Cảm giác lần đầu tiên khi nhìn thấy tê giác ngoài đời thực thật khó diễn tả, trong tôi vừa có sự thích thú và cả tình cảm mong muốn được bảo vệ loài động vật này. Đằng sau hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ và cuộc sống tự nhiên của các loài động vật, tôi còn chứng kiến cảnh tượng hãi hùng và cũng là bức tranh thực tế về hiện trạng đáng báo động hiện nay - xác chết của tê giác nằm rải rác khắp nơi. Những cái xác tê giác đang trong quá trình phân hủy, phần sừng đã bị cưa đi, chỉ còn lại phần thân to lớn nằm bất động. Chứng kiến hình ảnh đó, tôi thật sự phẫn nộ trước hành động tham lam, độc ác của con người. Dù đã từng tìm hiểu và xem rất nhiều hình ảnh tư liệu thực trạng này nhưng những gì đang diễn ra từng ngày ở nơi này đáng sợ hơn những gì mà tôi từng biết đến.

Những ngày ở Nam Phi đối với tôi thật đáng nhớ. Đồng hành với những người bạn mới, cùng san sẻ khó khăn, cùng chung vai trò là đại sứ, tôi nhận ra mình cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để làm tốt hơn vai trò của mình trong chiến dịch bảo vệ tê giác. Tôi sẽ cố gắng bảo vệ loài động vật này cho đến tia hy vọng cuối cùng, làm cho những người còn mê muội và thiếu hiểu biết nhận ra rằng những chiếc sừng tê giác không phải là thần dược, thực chất chúng chỉ có thành phần keratin, là chất đồng cấu tạo nên tóc và móng tay của con người. Hành trình 5 ngày tuy ngắn ngủi nhưng đã dạy tôi rất nhiều thứ. Tôi học được cách tự lập và bảo vệ bản thân trước những tình huống nguy hiểm cũng như nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình. Trái đất sẽ phát triển tốt đẹp hơn, cuộc sống của các loài động vật sẽ không còn bị đe dọa nếu tất cả chúng ta cùng nhau hợp sức nâng cao ý thức của chính mình và mọi người để đẩy lùi nạn săn bắn, giải cứu loài tê giác cùng những động vật quý hiếm khác khỏi danh sách đỏ đáng báo động như hiện nay.



Copyright © 2013 The Asian International School, All rights reserved